Gần hết thời hạn thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư muốn tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cần làm gì?
Khi thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có thể gặp trường hợp thời hạn thực hiện dự án sắp hết nhưng vẫn chưa hoàn thành hoặc muốn tiếp tục khai thác, phát triển dự án. Khi đó, họ cần cân nhắc giữa việc gia hạn thời gian thực hiện dự án hiện tại hoặc xin cấp phép một dự án mới. Vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành quy định như thế nào về vấn đề này? Điều kiện và thủ tục thực hiện ra sao? Bài viết dưới đây của Công ty Luật TNHH An Bình sẽ giúp các nhà đầu tư và bạn đọc hiểu rõ hơn về các phương án pháp lý để tiếp tục thực hiện dự án một cách hợp pháp và hiệu quả.
Căn cứ Điều 44 Luật Đầu tư 2020 quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư như sau:
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.
- Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.
- Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư.
- Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ các dự án đầu tư sau đây:
- a) Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;
- b) Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo quy định trên, khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. Trừ các dự án đầu tư sau đây:
– Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;
– Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.
Trong đó, dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên không được gia hạn thời hạn hoạt động được xác định theo khoản 10 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư
Như vậy, khi gần hết thời hạn thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư muốn tiếp tục thực hiện dự án đầu tư có thể gia hạn dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc gia hạn sẽ không quá 70 năm đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế và không quá 50 năm đối với dự án đầu tư ngoài khu kinh tế.
Điều kiện gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định trừ trường hợp không được gia hạn, nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư khi kết thúc thời hạn hoạt động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng kí đầu tư xem xét, quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đó nếu đáp ứng các điều kiện sau:
– Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quuy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có); phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình kế hoạch phát triển nhà ở (đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị);
– Đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (đối với trường hợp đề nghị gia hạn sử dụng đất).
Thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư?
Căn cứ khoản 2 Điều 55 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định điều chỉnh, gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư:
Điều chỉnh, gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
- Thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Nghị định này được thực hiện như sau:
- a) Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
Theo quy định trên, quy trình gia hạn thời gian hoạt động của dự án đầu tư được thực hiện như sau:
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian hoạt động của dự án đầu tư
Nhà đầu tư nộp hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
– Văn bản đề nghị gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
– Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;
– Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm một trong các tài liệu sau:
+ Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;
+ Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ;
+ Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính;
+ Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư;
+ Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
Bước 2: Bộ Kế hoạch và Đầu tư/ cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến về việc đáp ứng điều kiện gia hạn thời gian hoạt động.
Bước 3: Cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện gia hạn thời gian hoạt động của nhà đầu tư.
Bước 4: Bộ Kế hoạch và Đầu tư/ cơ quan đăng ký đầu tư xem xét điều kiện gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
Bước 5: Bộ Kế hoạch và Đầu tư/ cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định trình cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư;
Bước 6: Cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
Lưu ý: Khoản 3 Điều 55 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định “Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, trong thời hạn tối thiểu 06 tháng trước khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư”.
Liên hệ Công ty Luật TNHH An Bình để được tư vấn đối với từng trường hợp cụ thể và được hỗ trợ thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam một cách nhanh gọn, thuận tiện.
Luật sư Vũ Trường Hùng – 0915 101 880