Trang chủ Luật sư bào chữa Pháp luật dân sự Mua bán tài sản trộm cắp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Mua bán tài sản trộm cắp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Hiện nay, các giao dịch mua bán tài sản đặc biệt đối với các loại tài sản không phải đăng ký được thực hiện ngày càng nhiều mà đa phần được thực hiện giữa các cá nhân với nhau không thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, người mua rất khó xác định được xuất xứ cụ thể của các tài sản đó. Nếu mua phải tài sản trộm cắp, người mua có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì chế tài xử phạt là như thế nào?

1. Tài sản do người khác phạm tội mà có là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì tài sản do người khác phạm tội mà có là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

Trong đó, tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản.

2. Mua tài sản trộm cắp có vi phạm pháp luật không?

Để nhận định rõ hành vi mua tài sản trộm cắp có vi phạm pháp luật không, cần xem xét đến yếu tố chủ thể mua tài sản đó có biết về hành vi trộm cắp để có được tài sản hay không. Theo quy định pháp luật, nếu người mua tài sản không biết về nguồn gốc, xuất xứ của tài sản khi tham gia giao dịch mua bán thì không vi phạm pháp luật. Trường hợp người mua tài sản biết đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn thực hiện giao dịch mua bán thì tùy vào giá trị của tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự.

3. Hình phạt đối với hành vi mua tài sản trộm cắp

3.1. Truy cứu trách nhiệm hình sự

  • Đồng phạm tội trộm cắp tài sản

Trường hợp người mua tài sản có sự hứa hẹn trước với người phạm tội là sẽ mua tài sản do người phạm tội trộm cắp mà có được và đã mua tài sản đó thì bị xem là đồng phạm trong vụ trộm cắp tài sản với vai trò người giúp sức. Hành vi của người mua đã tạo điều kiện cho hành vi phạm tội xảy ra. Căn cứ vào Điều 17 và Điều 173 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì người mua tài sản trộm cắp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là đồng phạm tội Trộm cắp tài sản.

  • Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Trường hợp người mua tài sản trộm cắp tuy không hứa hẹn trước nhưng biết rõ đây là tài sản có được từ việc phạm tội mà vẫn mua để sử dụng hoặc vào mục đích mua bán khác để tiêu thụ tài sản này cho người phạm tội thì người mua có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 323 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:

– Khoản 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu có thêm một trong các tình tiết tăng nặng sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

+ Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Tái phạm nguy hiểm;

– Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 10 năm nếu có thêm một trong các tình tiết tăng nặng sau đây:

+ Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

– Khoản 4: Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm nếu có thêm một trong các tình tiết tăng nặng sau đây:

+ Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

– Khoản 5: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, để có thể truy cứu trách nhiệm về tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, thì tiêu chí, điều kiện đầu tiên phải xác định được tài sản mà người đó tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Có nghĩa là để truy cứu trách nhiệm của người mua theo Điều 323 thì phải xác định tội danh của người bán là phạm tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS 2015. Nói cách khác, không xác định được người bán tài sản là người phạm tội thì cũng chỉ có thể áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với người tiêu thụ tài, kể cả trong trường hợp tài sản trộm cắp có giá trị rất lớn.

3.2. Phạt vi phạm hành chính

Nếu người trộm cắp thực hiện lần đầu và tài sản trộm cắp giá trị dưới 02 triệu đồng thì người tiêu thụ tài sản trộm cắp bị phạt hành chính. Mức phạt hành chính với hành vi mua tài sản trộm cắp được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có”.

=====================================
CÔNG TY LUẬT TNHH AN BÌNH
📞 Hotline: 𝟎𝟗𝟏𝟓 𝟏𝟎𝟏 𝟖𝟖𝟎
🏠 Trụ sở chính: Số 39 Phan Văn Trác, KĐT Hà Tiên, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
🏠 Trụ sở 2: Tầng 3 số 225 Hàn Thuyên, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Liên hệ Luật Sư An Bình Liên hệ hỗ trợ qua Zalo Fanpage Facebook
0915.101.880