Trang chủ Tư vấn luật Pháp luật đất đai - nhà ở Thủ tục giải quyết tranh chấp chia thừa kế

Thủ tục giải quyết tranh chấp chia thừa kế

Thủ tục khởi kiện yêu cầu chia thừa kế

Tranh chấp thừa kế nói chung và tranh chấp chia di sản thừa kế nói riêng ở nước ta là loại án dân sự phổ biến, phức tạp, có những vụ án kéo dài, xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Tòa án. Nguyên nhân làm cho tranh chấp chia di sản thừa kế phức tạp vì đây là tranh chấp giữa những người thân thích có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng; di sản thừa kế thường là quyền sử dụng đất và nhà ở, là những tài sản có giá trị lớn, thiết yếu; việc giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật như pháp luật về thừa kế, về sở hữu, về hôn nhân và gia đình, về đất đai, về nhà ở….và pháp luật khác có liên quan.

1. Thời hiệu khởi kiện vụ án 

Căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản đối với bất động sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 xác định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định theo quyết định của Tòa án về việc tuyên bố người đó chết. Thời gian sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt thì thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế được xác định như sau:

– Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990, cụ thể: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản được tính từ ngày 10/9/1990.

– Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10. Theo đó, căn cứ Khoản 2 Điều 17 Nghị quyết này thì thời gian hai năm sáu tháng từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế.

– Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11. Theo đó, căn cứ Khoản 2 Điều 39 Nghị quyết này xác định thời gian mười năm hai tháng từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế.   

2. Thủ tục khởi kiện chia di sản thừa kế là nhà đất

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người khởi kiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:

+ Đơn khởi kiện

+ Giấy tờ nhân thân và chứng minh quyền thừa kế như: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, …..

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;

+ Các giấy tờ chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; các giấy tờ theo Điều 137 Luật đất đai năm 2024.

+ Các giấy tờ khác có liên quan.

Lưu ý: Nếu không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ thì người kiện phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền khởi kiện của mình.

Bước 2: Nộp và thụ lý

* Hình thức nộp đơn

Người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án bằng một trong các hình thức sau:

– Nộp trực tiếp tại Tòa.

– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính (gửi qua bưu điện).

– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

* Tiếp nhận và thụ lý

Thẩm phán dự tính tiền tạm ứng án phí phải nộp, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự (xem trong giấy báo nếu có), sau khi nộp xong thì nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

Sau khi nhận được biên lai, Thẩm phán thụ lý vụ án và ghi vào sổ thụ lý.

Bước 3: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Căn cứ quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì hời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không quá 04 tháng, vụ án phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc do tính chất phức tạp của vụ án hoặc sự hợp tác, chấp hành pháp luật của các đương sự hoặc do các tình tiết khách quan khác thì thời gian giải quyết vụ án về tranh chấp thừa kế sẽ bị kéo dài, thông thường ít nhất là 01 năm thì mới  giải quyết xong.

Bước 4: Xét xử sơ thẩm

Sau khi thu thập đầy đủ hồ sơ tài liệu và tiến hành các phiên họp kiểm tra việc tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án cấp sơ thẩm sẽ đưa vụ án ra xét xử.

Sau khi xét xử sơ thẩm có thể xảy ra một số trường hợp như: các đương sự kháng cáo, viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Nếu không có kháng cáo, kháng nghị hoặc giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì bản án sẽ có hiệu lực. Ngay cả khi bản án có hiệu lực thì không phải trường hợp nào người thua kiện cũng tự nguyện chấp hành mà phải yêu cầu thi hành án (nộp phí thi hành án và đề nghị cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án).

Liên hệ Luật Sư An Bình Liên hệ hỗ trợ qua Zalo Fanpage Facebook
0915.101.880